Ký ức 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' của những người lính vận tải

17/05/2024 11:12 GMT+7 | Văn hoá

65 năm đã đi qua, các cựu chiến binh từng một thời “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại lại cùng nhau ôn lại ký ức hào hùng của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. 

Dù những người lính năm xưa bây giờ tuổi đã cao nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu oanh liệt trên con đường huyền thoại vẫn mãi khắc ghi.

“Tôi là bộ đội lái xe Trường Sơn”!

Sáu năm trong quân ngũ là chừng ấy thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ bộ đội lái xe tại Tiểu đoàn 52 ô tô vận tải, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nhân (sinh năm 1948, trú tại thành phố Hà Tĩnh) đã gắn bó trực tiếp với tuyến vận tải Trường Sơn gian khổ, khốc liệt. Ông Nguyễn Tiến Nhân vẫn luôn cho rằng, đây là quãng đời thanh xuân đáng sống nhất của mình, dù sau này có trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, nhưng ông vẫn luôn tự hào rằng “tôi là bộ đội lái xe Trường Sơn”.

Ngày 26/3/1968, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Nhân hăm hở lên đường nhập ngũ, sau thời gian ngắn học lái xe, ông trở thành lái xe thuộc Tiểu đoàn 52 ô tô vận tải, Binh trạm 14, Bộ tư lệnh 559 với nhiệm vụ vận tải hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến.

65 năm mở đường Hồ Chí Minh: Ký ức 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' của những người lính vận tải - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nhân trong chuyến hành trình về nguồn tại đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Ông Nhân xúc động nhớ lại: “6 năm là bộ đội lái xe, ông đã trực tiếp lái 16 chiếc xe trong đó có những chiếc xe bị trúng bom địch cháy, có những chiếc xe bị đổ xuống đèo. Thời điểm ấy, Tiểu đoàn 52 có nhiệm vụ chạy xe cả ban ngày lẫn ban đêm để đẩy nhanh tiến độ chi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường. Đó là những chiếc xe đúng như trong bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của tác giả Phạm Tiến Duật “Không có kính không phải vì xe không có kính/Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/Ung dung buồng lái ta ngồi/Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…”

Ông Nguyễn Tiến Nhân chia sẻ, nhiệm vụ của người lái xe đòi hỏi phải thực sự kinh nghiệm, bản lĩnh. Khi vận chuyển ban ngày, nguy cơ bị lộ cao, người chiến sĩ lái xe khi ấy có thể nói là nhận nhiệm vụ “cảm tử” vì trên xe luôn được bố trí 1 khẩu súng máy, sẵn sàng bắn trả máy bay, bảo vệ hàng hóa. Ban đêm, xe sử dụng đèn gầm “con rùa” để chạy, tránh bị địch phát hiện, vừa đi vừa mò mẫm băng rừng, vượt suối trên những cung đường Trường Sơn.

Trong suốt 6 năm làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, đối mặt với nhiều giây phút sinh tử, nhưng chưa bao giờ những chiến sĩ bộ đội lái xe nao núng. Ông Nguyễn Tiến Nhân cho rằng, bản thân và anh em lái xe luôn được sự đùm bọc, chở che của các lực lượng khác. Trên những tuyến đường mà bộ đội lái xe qua đều có dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong cắm cờ chỉ điểm ở những vị trí có hầm để khi pháo sáng của địch chớp, báo hiệu địch ném bom xuống xe của mình là bộ đội kịp thời nhảy xuống xe lao vào hầm trú ẩn ngay.

Người chiến sĩ giao liên gùi hàng trên dãy Trường Sơn

Cùng thực hiện nhiệm vụ vận tải trên mạng lưới đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1937, quê ở phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh) là bộ đội giao liên, gùi hàng. Tháng 4/1963, ông Thông nhập ngũ Đoàn 559 và bắt đầu cuộc hành trình đi bộ để vào tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Đơn vị ông đóng quân ở khu vực suối Bang, phía tây huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - đây là địa điểm chuẩn bị quân tư trang, lương thực, vũ khí để cung cấp cho bộ đội đi vào chiến trường.

65 năm mở đường Hồ Chí Minh: Ký ức 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' của những người lính vận tải - Ảnh 2.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông bên bức ảnh đoàn bộ đội gùi thồ trên tuyến đường vận chuyển ở Đông Trường Sơn. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông nhớ lại: Hằng ngày, một nửa Đại đội gùi gạo, số còn lại gùi vũ khí vào tiếp tế cho bộ đội ở tiền tuyến; lúc trở ra thì cáng thương binh, gùi thư từ, báo chí từ tiền tuyến gửi ra hậu phương. Lúc mới gia nhập quân ngũ sức khỏe yếu, chỉ nặng hơn 45kg nhưng tôi vẫn gùi được 40kg hàng, thời gian sau, có khi tôi cố gắng hơn thì gùi được 45kg hàng. Cứ thế, sáng sớm chúng tôi gùi hàng băng rừng, lội suối đến chừng 12 giờ trưa thì kết thúc một chặng.

Ông Thông cho biết, thời kỳ trước 1965, ở Đông Trường Sơn thì bộ đội gùi, cõng, mang vác hàng bằng phương tiện thô sơ, tuy nhiên sau 1965, mạng lưới vận tải chuyển sang Tây Trường Sơn thì chuyển sang đường vận chuyển cơ giới, gồm những trục đường chính và những đường nhánh đi vào các chiến trường. Sau 1965, ông Thông cùng đồng đội của mình lại thực hiện nhiệm vụ giao liên và cáng thương binh từ tiền tuyến trở ra.

65 năm mở đường Hồ Chí Minh: Ký ức 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' của những người lính vận tải - Ảnh 3.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông kể lại những năm tháng hào hùng làm bộ đội giao liên, gùi hàng ở Trường Sơn. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Nhớ lại những ngày tháng gian khổ, không quản núi cao, suối sâu, đêm tối và hệ thống đồn bốt chặn nghiêm ngặt của địch, bộ đội Trường Sơn vẫn tuyệt đối đảm bảo bí mật, an toàn đưa vũ khí, lương thực ra tiền tuyến; cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông chia sẻ: “Gian khổ, khó khăn là như vậy, đối mặt với những giây phút sinh tử mỗi ngày, những cơn sốt rét hàng đêm, nhưng anh em chiến sĩ không hề nề hà, không một phút giây nao núng, chỉ mong sao gùi được nhiều hàng hóa, vũ khí, lương thực ra cho tiền tuyến. Tất cả vì miền Nam ruột thịt và tương lai độc lập nước nhà”.

Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Hà Tĩnh Trần Bá Linh cho biết: Suốt 16 năm chiến đấu ác liệt, gian khổ của bộ đội Trường Sơn, lực lượng nào, đơn vị nào cũng có sự tích anh hùng. Con đường nào, địa danh nào cũng là mảnh đất rực lửa chiến công. Riêng với lực lượng vận tải, từ bí mật luồn rừng, mang vác, gùi thồ, tiến tới vận tải đường bộ, vận chuyển xăng dầu bằng đường ống… đã hợp thành một binh chủng vận tải phát triển đến đỉnh cao.

Bộ đội vận tải Trường Sơn đã luôn chủ động, táo bạo, tranh thủ mọi thời cơ, chạy đêm, chạy ngày, chạy đội hình lớn, chạy đội hình nhỏ, chạy cung ngắn,  cung dài đã vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, hàng quân sự, cơ động, vận chuyển hơn 2 triệu lượt người vào, ra qua Trường Sơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu chiến đấu không ngừng phát triển của các chiến trường. Lực lượng vận tải xứng đáng với danh hiệu “gan vàng dạ ngọc”.

Hoàng Ngà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm